cha

“Tôi không muốn con bị tụt lại phía sau”: Đây là kiểu cha mẹ không muốn thúc ép, nhưng họ cảm thấy sợ hãi và lo lắng rằng nếu con không có gia sư, con sẽ bị tụt lại và bị tổn thương trong cuộc sống. Tôi tin rằng nhiều bậc cha mẹ đọc cuốn sách này sẽ biết họ thuộc nhóm này. Họ không thích hệ thống đang tồn tại, nhưng họ cảm thấy không còn lựa chọn nào khác nếu muốn con bơi được trong dòng đời.

• “Nó khiến tôi cảm thấy mình là cha mẹ tốt”: Có con đồng nghĩa với việc bạn đang tham gia vào canh bạc lớn. Chẳng ai trong chúng ta thực sự biết việc đó sẽ trở nên thế nào. Nhưng những người lần đầu làm cha mẹ luôn muốn thử giành quyền kiểm soát, và tin rằng nếu tạo lập cho con một thời khóa biểu đầy các hoạt động sinh động ngay từ lúc mới sinh, thì thành công sẽ tới. Những bậc cha mẹ này có xu hướng đơn giản hóa quá mức việc nuôi dạy con. Sự thực là họ không có đủ kinh nghiệm để nhận ra rằng yếu tố may mắn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên đứa trẻ thần đồng, và giáo dục là trò chơi dài hơi.

• “Thế giới ngoài kia rất khắc nghiệt”: Triết lý của các bậc cha mẹ này là cuộc sống sẽ ngày càng khó khăn, bọn trẻ nên quen dần với nó. Thay vì bảo vệ con khỏi nền văn hóa trọng thành tích, họ lại cố đẩy con vào càng sâu càng tốt. Bạn có thể nhận ra ngay kiểu cha mẹ kiểu này, những người hẳn sẽ dán khẩu hiệu “làm hết sức chơi hết mình” ở khắp nơi hoặc bạn có thể tìm thấy họ ở các công viên, đang chạy với đứa con cố bám theo kịp, để chuẩn bị cho ngày hội thể thao sắp diễn ra.

• “Nhóm của tôi đâu?”: Thường những bà mẹ kiểu này, những người thích giao lưu tán gẫu và có cả nhóm bạn bè bao gồm các bà mẹ khác – gửi con tới một trường mẫu giáo với hy vọng các bà mẹ khác cũng làm tương tự. Các bà mẹ “hội nhóm” kiểu này thường đưa quyết định gửi con vào trường học nơi có nhiều bà mẹ tương đồng nhất. Họ cũng không ngần ngại chuyển trường cho con nếu họ nghĩ ở trường khác có nhiều phụ huynh đồng quan điểm hơn.

• “Con tôi là việc của tôi”: Những bậc phụ huynh loại A này thường đã xây dựng được sự nghiệp tốt, và giờ cảm thấy bị thách thức trong một lĩnh vực khác: đó là nuôi dạy con. Thường thì đây là những bà mẹ có thói quen cạnh tranh tại nơi làm việc, và không bao giờ chịu thua chuyện gì. Có nguồn tài chính trong tay, họ điều khiển con như cách họ điều khiển doanh nghiệp, luôn hy vọng việc đầu tư về thời gian và công sức sẽ giúp họ sẽ thu được thành công rõ ràng.

• “Tôi phải làm việc và không muốn con tôi bị thiệt thòi”: Những bậc phụ huynh này lúc nào cũng bận bịu, họ không muốn người trông trẻ để mặc con họ ngồi trước ti vi khi họ đi làm, nên họ sử dụng hoạt động ngoại khóa như một dạng dịch vụ “trông trẻ”. Thường thì đây là kiểu người sáng tạo và không giỏi sắp xếp, mỗi khi về nhà họ đã quá mệt mỏi và họ không muốn giải quyết thêm việc nhà. Vì lý do này, họ có thể bị thua kém trong cuộc đua nuôi dạy con kiểu cạnh tranh, trừ khi họ có những đứa con rất tài năng.

• “Tôi muốn chắc chắn tôi đang làm tốt nhất có thể”: Một phiên bản cha mẹ hổ mới xuất hiện, đây là những phụ huynh rất thành công trong việc đưa con vào những trường tốt nhất, và coi đó như chứng nhận “dạy con tốt”. Những ông bố bà mẹ này không hề có ý định giấu giếm và thậm chí họ cho rằng nỗ lực của họ cần được công nhận. Sôi nổi và thẳng thắn, những phụ huynh “cạnh tranh và tự hào” này muốn mọi người biết rằng, họ đã hy sinh rất nhiều – và nếu có thêm nhiều gia đình như họ, đất nước này chắc sẽ khá hơn. Người tiêu biểu cho trường phái này là thủ tướng David Cameron, người đã dõng dạc khẳng định với công chúng: “Tôi xin tuyên bố rõ ràng rằng: Tôi và vợ tôi Samatha là cha mẹ hổ.”

• “Đây là cách của tôi”: Khá giống với kiểu “Thế giới ngoài kia khắc nghiệt” ở trên, các ông bố bà mẹ này thường là những người thành công, những người đã từng theo học và luôn đứng đầu tại các trường hàng đầu, và họ thấy việc đó không có gì khó khăn. Thường họ là những người đã tốt nghiệp tại các trường Oxbridge, và họ tin rằng việc vào học những trường danh tiếng là điều tối quan trọng để đạt được thành công trong cuộc sống. Và giờ đây, các bậc cha mẹ “Đây là cách của tôi” này muốn con cái cũng giống mình, không cần tính đến việc có thể con có khả năng và tính cách khác hẳn. Do những bậc cha mẹ này là người thành công, nên những đứa trẻ có bản tính nhạy cảm khi được sinh ra trong các gia đình này đôi khi mắc chứng trầm cảm tự ti, và luôn cảm thấy mình sẽ chẳng bao giờ đạt được tiêu chuẩn cha mẹ đặt ra. Vì vậy, bọn trẻ có thể đi theo hướng hoàn toàn khác, dẫn đến hậu quả là cha mẹ trở nên càng bực bội trong cố gắng khiến con thành công như họ.

• “Con tôi phải khá hơn tôi”: Với những gia đình mới chuyển tới nước Anh, họ thường tin rằng cách duy nhất để vượt qua phân biệt đối xử về chủng tộc, hay tầng lớp là phải giúp con tìm được một công việc đáng trọng vọng. Những gia đình này không ngần ngại chuyện cho con học gia sư. Thậm chí, họ càng làm nhiều cho con cái, họ càng được mọi người tôn trọng.

• “Con phải đạt được những điều tôi chưa đạt được”: Nhà tâm lý học Kart Jung là người đầu tiên đưa ra luận điểm này: “Mối đe dọa lớn nhất với đứa trẻ chính là một cuộc sống lu mờ của người mẹ.” Có những ông bố bà mẹ, những người chưa bao giờ đạt được thành tựu lớn gì trong lĩnh vực họ chọn, nên họ cố gắng hết sức thúc đẩy con để con tiến lên một mức cao hơn. Mặc dù chưa bao giờ thú nhận, thành công của con sẽ giúp họ cảm thấy khá hơn khi đối mặt với thất bại bản thân. Những bậc cha mẹ này có thể rất khắc nghiệt, vì họ đã nếm trái đắng và giờ khi đặt mình vào vai trò người huấn luyện. Họ thường đầu tư cho con vào những lĩnh vực đem lại phần thưởng cao như thể thao hay nghệ thuật biểu diễn, và sẽ không điều gì có thể làm họ chùn bước.

• “Tôi mong đợi con có tài năng”: Đây thường là những bậc cha mẹ xuất sắc trong lĩnh vực như Toán hoặc Âm nhạc – những lĩnh vực mà thành công hoàn toàn đo đếm được. Họ thường xuất thân từ gia đình truyền thống thành công và họ tin là đứa con mang gen của họ chắc chắn sẽ là thiên tài. Tuy nhiên, họ có thể trở nên rất đau khổ nếu điều đó không xảy ra, hoặc nếu những phụ huynh khác, vốn không tài giỏi như họ, lại sinh ra những đứa con tài năng hơn.

CHIA SẺ THỰC TẾ

“Tôi luôn cho rằng tôi sẽ có một đứa con thông minh như tôi và chồng tôi, nhưng tôi đã mất cả thời gian dài để chấp nhận thực tế này. Tôi đã bị giày vò trong nhiều năm, tự hỏi tôi đã làm gì sai. Liệu có phải vì ly rượu vang tôi uống khi mang thai cháu, ở ngay thời kỳ nhạy cảm cho việc phát triển bào thai? Liệu có phải do mức độ stress của tôi trong thời kỳ mang thai đã hủy hoại con? Tôi cố gắng không so sánh con với những đứa trẻ khác, nhưng cứ nhìn thấy bọn trẻ ấy, tôi lại không cầm lòng được. Bất cứ khi nào mọi người khen ngợi con là đứa trẻ đáng yêu, tôi thấy như mình bị thương hại. Tôi thậm chí không thể nói chuyện với ai nữa. Chẳng lẽ lại nói với họ rằng: Tôi thực sự thất vọng vì tôi mong muốn đến tuyệt vọng rằng con tôi vượt xa con chị.”

Celia, mẹ của hai con“Vào ngày khai trường, thay vì ngồi tự hào về thành tích của con, tôi lại đi dò la những báo cáo treo trên tường của những đứa trẻ khác, để xem đứa nào viết đẹp nhất, đứa nào viết hay nhất. Nó giống như một cuộc thu thập thông tin. Và nếu như có phần nào con tôi không tốt như của những trẻ khác, tôi cảm thấy như muốn co rúm lại vì sợ hãi.”

Pippa, mẹ của một con

“Tôi không thích ý nghĩ mình là bà mẹ hổ, nhưng làm gì có lựa chọn nào khác? Nếu bé Dulcie đi tới trường, nắm vững tiếng Pháp và tiếng Trung, biết đọc bảng chữ cái, con số, biết về một vài nhạc sĩ và nghệ sĩ nổi tiếng, hẳn bé sẽ cảm thấy tự tin hơn nhiều. Ngày nay, bọn trẻ bị đặt quá nhiều kỳ vọng, nên các bậc làm cha mẹ không thể cứ ngồi và để mọi việc diễn ra. Bạn phải chuẩn bị cho con sẵn sàng ngay từ bước đầu.”

Anna, mẹ của một con

Nguồn : Sưu tầm