Người vô dụng trong gia đình cũng sẽ vô dụng ngoài xã hội.
Đối với trẻ em, khi được hỏi “Lớn lên con muốn làm gì?”, chắc chắn sẽ có em nhanh nhảu trả lời: “Con muốn làm việc có ích cho xã hội!”. Nếu tuổi nhỏ mà đã trả lời được như vậy thì thật là đáng khen.
Con người luôn khao khát trở nên hữu ích với người khác. Khát khao đó khiến họ càng ý thức giá trị của bản thân. Khi được công nhận, con người sẽ tự tin vào năng lực của mình.
Tất nhiên khi trưởng thành, ngoài mong muốn “được công nhận”, “được giúp ích cho xã hội” thì công việc còn liên quan đến tiền bạc và địa vị xã hội. Nhưng nếu họ trở về lại với tâm hồn ngây thơ lúc nhỏ, trở lại với mong muốn sâu thẳm trong mỗi người, thì ước mong “được làm người có ích” rất quan trọng.
Song, việc có ích là việc gì? Phải chăng là công việc tình nguyện viên trong các tổ chức phi lợi nhuận, nhân viên công vụ hay chính trị gia? Còn nếu trở thành một nhân viên công ty bình thường thì liệu có đóng góp gì được cho xã hội không?
Với suy nghĩ non nớt, đơn giản của trẻ, ta sẽ không khó lý giải khi trẻ nghĩ rằng những công việc có ích là những nghề nghiệp có tiêu chí phục vụ con người và xã hội. Nhưng nếu nói rằng tôi đi làm vì
muốn trở thành người có ích thì có vẻ không mấy thuyết phục. Vì suy cho cùng, dù là công việc gì cũng đều vì mục đích phục vụ con người. Bởi lẽ, những công việc không lấy mục tiêu vì lợi ích của con người chính là công việc vô nghĩa! Vậy nên, trở thành người có ích hay vô dụng là tùy thuộc vào chính bản thân mỗi người.
Vì mục đích quan trọng nhất là giúp đỡ cha mẹ, giúp đỡ gia đình, nên đối với con, làm việc nhà có ý nghĩa rất đặc biệt. Bởi lẽ, đối với những người quan trọng nhất của mình, bạn còn không giúp ích được gì thì sự tồn tại của bạn cũng sẽ không có ích gì cho xã hội. Nhờ tích lũy kinh nghiệm làm việc
giúp đỡ gia đình, con sẽ hiểu được công việc có ích cho người khác là như thế nào, rồi sau này khi trưởng thành, bước vào môi trường làm việc, con mới có thể đóng góp cho xã hội.
Có ích cho mình, có ích cho người khác tức là có ích cho xã hội
Cách nói: “Con hãy tự làm việc của con đi” không phải là một nhận thức đúng đắn. Nếu chúng ta phân biệt rạch ròi giữa “việc của bản thân” và “việc làm giúp” thì khi làm những “việc làm giúp”, con sẽ hành xử với tâm lý tự cao.
Ví dụ, khi con xếp đôi giày của mình nơi hành lang và tiện tay xếp luôn đôi giày của đứa em cho thẳng, đó là một hành động đẹp. Sau khi cả nhà uống trà xong, trẻ dọn ly của mình đồng thời
cũng dọn dẹp phần người khác, đó là một việc làm đáng khen.
Những trường hợp khác trong sinh hoạt gia đình, dù ý thức được “việc này mình làm cũng được, người khác làm cũng được” nhưng trẻ vẫn không câu nệ mà tự mình làm lấy thì sau này lớn lên, sống trong hoàn cảnh nào trẻ cũng có thể trở thành người hữu ích cho xã hội.
Niềm vui của gia đình là niềm vui của cuộc sống
Khi nói đến việc “nuôi dạy trẻ sống biết giúp đỡ”, nội dung chính tôi muốn đề cập là “Làm việc nhà sẽ giúp tăng cường sức khỏe cho con”. Nhưng vì ích lợi đó mà ép buộc con làm việc nhà bằng mọi
giá thì có thể sẽ phản tác dụng. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần dạy bảo con từng bước bằng từng công việc nhỏ cho đến khi thành thói quen.
Việc nhà tiềm ẩn nhiều điều thú vị. Ví dụ như khi giặt giũ, việc con được thấy áo quần dơ bẩn trở nên sạch sẽ, thơm tho sẽ là một niềm vui nho nhỏ đối với con. Cảm giác mát lạnh khi chạm tay
vào tấm vải ướt cũng khiến con thích thú. Hay khi phơi đồ, quần áo phất phới trong gió, từng tia nắng mặt trời rực rỡ xuyên qua lớp vải cũng làm con vui thích. Khi lấy áo quần vào, cảm nhận
được mùi hương sạch sẽ, thơm mát lan tỏa khắp phòng rồi cảm giác kết thúc bằng việc xếp lại gọn gàng quần áo vô tủ cũng là những cảm giác rất tuyệt vời đối với con!
Sống biết giúp làm việc nhà có nhiều lợi ích cho cả con và cha mẹ, nhưng không phải vì vậy mà các bạn ép buộc con phải làm việc này việc kia khi con không muốn.
Mọi công việc xung quanh ta đều ẩn chứa niềm vui. Không giống niềm vui sôi động của ánh đèn sân khấu lấp lánh, những niềm vui đến từ công việc sẽ từ từ len lỏi vào các ngõ ngách tâm hồn,
tạo ra một cảm giác sâu sắc, ấm áp. Sự bình an của tâm hồn đến từ chính những công việc hàng ngày trong cuộc sống chứ không ở đâu xa.
Nhờ phụ giúp công việc nhà, các con sẽ tìm thấy niềm vui. Có thể bạn không biết nhưng trong khi làm việc nhà, tâm hồn và cơ thể của con sẽ có sự hòa nhịp, và theo thời gian, sự hòa nhịp đó sẽ tạo thành một năng lượng sống tích cực cho con.
Nguồn: Sưu tầm