cách nấu ăn

CÁCH NẤU ĂN

Thiết kế thực đơn
Khi suy nghĩ về thực đơn, phải biết liên kết tổng hợp nhiều yếu tố khác nhau để có một thực đơn phù hợp với tất cả thành viên trong gia đình. Điều này cũng tập cho con khả năng quan sát cuộc sống xung quanh.

Thiết kế thực đơn là biết quan tâm, suy nghĩ cho gia đình: Lên thực đơn bữa ăn gia đình hoàn toàn khác với việc gọi món ăn khi đi nhà hàng. Việc thiết kế thực đơn không những dạy trẻ không chỉ biết nghĩ đến món ăn yêu thích của mình mà còn quan tâm đến những thành viên khác trong gia đình và nhiều yếu tố khác nữa.

Ở bậc tiểu học, trẻ đã sớm được tiếp xúc với những bài học về dinh dưỡng. Có nhiều trẻ suy nghĩ theo khuynh hướng trực quan – thú vị, như: “Thực đơn hôm nay nhiều màu vàng (nhiều thành phần bột glu-xit)* nhỉ!”.

Theo giáo trình dành cho học sinh ở Nhật, dinh dưỡng được phân thành ba nhóm: nhóm màu Vàng, nhóm màu Đỏ và nhóm màu Xanh, tương đương ba nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động và sự phát triển của cơ thể con người – dẫn theo Sách giáo khoa Khoa học về gia đình lớp 5 & 6, trang 40 – Nd.

Chính những lúc như thế nếu cha mẹ hỏi: “Chất dinh dưỡng là phần nhiều màu vàng hả con?” hoặc “Con có thấy thực đơn hôm nay có gì đặc biệt không?”, v.v… thì chắc hẳn trẻ sẽ tự mình có những suy nghĩ liên quan như: “Ngày hôm qua món mình ăn là bí ngô”, hoặc “Cá Sama là loại cá chỉ có trong mùa thu mà thôi”, và “Cha không ăn được món nấm rơm cho nên không bỏ nấm rơm vào đĩa của cha”, v.v…

Giáo dục phương pháp tư duy: Thông thường mẹ luôn có sẵn những “thực đơn tủ” của riêng mình. Khi đó, hãy chia sẻ với con: “Mẹ đã thiết kế ra thực đơn như thế này, con xem được không?”. Việc lên thực đơn thường theo những tiêu chuẩn sau:

– Cân bằng dinh dưỡng. Thức ăn nên xoay quanh các món phổ biến nhất gồm: Thịt – cá – rau.

– Cân nhắc về yếu tố sức khỏe của gia đình: Ví dụ, nếu trong nhà có người bị cảm thì nấu món súp nóng,…

– Cân nhắc về món ăn yêu thích của cả nhà. Sắp xếp và chia đều các món ăn yêu thích của mỗi thành viên trong gia đình vào thực đơn mỗi ngày mỗi khác.

– Cân nhắc yếu tố thời tiết (thực đơn theo mùa): Không phải lúc nào con cũng chỉ nên chăm chăm việc học không thôi, mà hãy dạy con lối sống biết tận hưởng món ăn ngon theo mùa.

– Cân nhắc về thời gian chế biến món ăn: Có những ngày bận rộn, không có nhiều thời gian chuẩn bị nguyên liệu cho món ăn thì hãy cân nhắc một thực đơn phù hợp.

Cùng bàn bạc với con: Cha mẹ hãy nhớ khi bàn bạc với con, phải biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con. Khi con đề xuất món ăn, nếu đó không phải món ăn phù hợp nhất, cha mẹ cũng không nên bác bỏ. Vì trẻ không suy nghĩ được mọi yếu tố một cách tổng quát, nên cha mẹ hãy đưa ra những sự lựa chọn cho con chọn, ví dụ như: “Mẹ thì đang cân nhắc giữa món lẩu và món cá nướng, con thấy thế nào?”.

Chuẩn bị chế biến món ăn

Sử dụng dao là một việc vừa nguy hiểm vừa đầy thách thức. Nếu đã quen rồi thì học sinh tiểu học cũng có thể sử dụng dao được. Hãy tạo cơ hội cho trẻ trải qua cảm giác khoan khoái khi vượt qua một công việc thử thách.

Giúp đỡ mẹ nấu ăn: Hầu như mọi đứa trẻ đều có xu hướng thích sử dụng dao khi nghĩ đến việc phụ giúp mẹ nấu ăn. Dù cũng rất thích sử dụng kéo, con trẻ vẫn luôn bị thu hút bởi những công
việc dùng dao để cắt, gọt…

Khi con muốn thử, cha mẹ hãy chuẩn bị mọi thứ thật an toàn, hướng dẫn con kỹ càng trước khi để con bắt tay vào việc sử dụng dao cắt rau củ. Cũng có những trường hợp con chỉ muốn đùa nghịch với đồ ăn, nên sau khi cắt vài đường chán chê rồi bỏ cuộc. Như vậy, không phải con đang giúp mẹ mà đang bày bừa thêm việc cho mẹ. Lúc đó, hãy nhẹ nhàng chỉ dẫn con cách cắt rau củ từng
miếng nhỏ để phụ giúp công việc nấu ăn của mẹ được nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Nếu con biết lau rửa sắp xếp đồ dùng nhà bếp sau khi dùng xong thì thật đáng khen. Nếu con không muốn dừng dọn dẹp mọi thứ thì hãy nói với con: “Ngày mai chúng ta làm tiếp nhé” rồi bảo con dừng lại.

Con tự chuẩn bị: Nếu con hoàn thành công việc như trông đợi của cha mẹ thì con đã là một trợ thủ đắc lực cho cha mẹ trong công việc nhà bận rộn này rồi. Hãy khuyến khích con tiếp tục phát
huy. Con có thể giúp chuẩn bị những việc sau:

– Gọt vỏ rau củ: Vào những năm đầu cấp tiểu học, con đã có thể thao tác với dao để gọt cà rốt hoặc khoai tây. Cha mẹ hãy hướng dẫn cho con cách cầm và sử dụng dao. Mới đầu, mẹ hãy cầm tay con vừa làm vừa chỉnh sửa, giải thích từ từ rồi giao hẳn cho con tự làm. Bàn tay nhỏ bé của con cũng rất hữu dụng với việc bóc vỏ củ hành hay tách vỏ đậu,… Trong khi nấu ăn, để không mất tập trung, tôi thường nhờ con giúp bóc tỏi.

– Cắt tỉa rau củ: Nếu con đã quen dùng dao rồi, cha mẹ có thể yên tâm giao cho con cắt cà rốt hay khoai tây thành từng miếng phù hợp với từng món ăn. Con cũng có thể cắt theo hình dài và mỏng. Khi đã thật sự quen việc, cha mẹ hãy cho con “thử thách” cảm giác cắt lát củ hành tây, hoặc thái quả dưa leo thành những miếng mỏng vừa miệng ăn.

– Mở bao/hộp đựng thức ăn: Nhờ con mở hộp sữa, hộp cà-ri, gói súp,… sẽ giúp ích rất nhiều cho cha mẹ vốn đang bận tay nấu ăn.

Dùng dao cẩn thận sẽ không gây nguy hiểm.

Nguồn: Sưu tầm